Tình hình xử án ở VN

Tình hình xử án ở VN

Postby Sea&Mountain on Mon Dec 14, 2009 9:01 am

Xử án treo sai, định tội không đúng, kết án quá nhẹ hoặc quá nặng là những lỗi phổ biến trong các bản án bị cấp giám đốc thẩm hủy.

Khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật là yêu cầu đặt ra khi giải quyết án hình sự. Tuy nhiên, lắm khi bản án có hiệu lực pháp luật rồi, các cơ quan tố tụng mới phát hiện có oan khuất, bỏ lọt tội phạm... Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định một thủ tục đặc biệt là giám đốc thẩm để nếu phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cấp giám đốc sẽ hủy án.

Gần đây, VKSND tối cao đã lập chuyên đề rút kinh nghiệm từ 616 bản án bị cấp giám đốc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại trong ba năm từ 2005 đến 2007.

Lạm dụng án treo

Theo VKSND tối cao, thiếu sót phổ biến nhất trong các vụ này là VKS, tòa án các cấp đã đánh giá sai tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo nên lúc thì lạm dụng tình tiết tăng nặng, lúc thì quá chú ý về nhân thân, về việc khắc phục hậu quả dẫn tới lạm dụng án treo.

Chẳng hạn vụ Bùi Văn Hiệp đánh người ở Thái Bình. Nghe tin em bị đánh, Hiệp xách mã tấu đến đâm chém hai người khác. Thậm chí cả khi cha Hiệp can ngăn, thu hung khí rồi, Hiệp vẫn lao vào dùng gạch đập nhiều nhát vào đầu một nạn nhân gây thương tật 63%. Sau đó, TAND tỉnh Thái Bình phạt Hiệp sáu năm tù về tội cố ý gây thương tích nhưng lên Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội thì lại rút xuống còn ba năm án treo.

Bản án phúc thẩm bị phát hiện là quá nhẹ bởi ngay điều khoản tòa viện dẫn đã quy định mức hình phạt là từ năm đến 15 năm tù. Việc tòa xử dưới khung, lại cho hưởng án treo là không phản ánh đúng tính chất, mức độ nguy hiểm trong hành vi phạm tội. Vì vậy, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã tuyên hủy án để xét xử lại.

Tương tự, trong một vụ ôtô gây tai nạn làm một người chết, một người thương tật 20%, TAND huyện Củ Chi (TP.HCM) chỉ phạt tài xế Huỳnh Văn Miến chín tháng án treo, coi đây là một vụ tai nạn bình thường, có lỗi hỗn hợp của cả nạn nhân. Bản án đã bị Ủy ban thẩm phán TAND TP hủy để xử lại theo hướng không cho hưởng án treo vì Miến cho ôtô chuyển hướng qua trái trong lúc không được phép, không làm chủ tốc độ nên mới đâm vào xe máy chở hai nạn nhân. Ủy ban thẩm phán cũng cho rằng bản án sơ thẩm không tương xứng với tính chất, hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra, không có tác dụng phòng ngừa tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, lại có trường hợp tòa không xét đầy đủ tình tiết giảm nhẹ, dẫn tới kết án quá nặng như vụ Nguyễn Duy Diễm đánh bạc ở TP.HCM. Diễm từng tham gia ghi đề, hưởng hoa hồng 3% trong một đường dây thầu đề. Được nhắc nhở, Diễm chẳng những ngừng ghi đề mà còn giúp công an triệt phá được cả đường dây thầu đề nhưng lại bị hai cấp tòa sơ, phúc thẩm thẳng tay phạt hai năm tù. Rất may cho Diễm là thành tích tố giác tội phạm, tích cực hợp tác đã được công an xác nhận, kiến nghị lên TAND tối cao nên cấp giám đốc thẩm mới quyết định hủy án để xử lại theo hướng cho Diễm hưởng án treo.

Tội nặng thành tội nhẹ

Phân tích từ các bản án bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy còn cho thấy các cơ quan tố tụng có nguy cơ định tội danh sai trong những vụ án phức tạp. Những vụ như vậy chỉ cần đánh giá sai một chút thì hình phạt cho người phạm tội đã khác một trời một vực.

Vụ Phạm Hoàng Đỉnh bị kết án về tội cố ý gây thương tích, sau đó bị hủy để xử lại về tội giết người là một ví dụ điển hình. Theo hồ sơ, do mâu thuẫn từ trước, Đỉnh rủ Kiệt và đồng bọn mỗi tên một con dao phóng xe máy truy lùng nhóm của Hậu trả thù. Trên đường đi, thấy nhóm kia đang ngồi chơi bên bờ kè, cả bọn lao vào đuổi đánh. Kiệt dùng dao chém vào vai làm Hậu té ngã. Cùng lúc, Đỉnh chạy tới, dùng dao dài 50 cm chém thẳng vào đùi trái Hậu rồi bỏ đi, để mặc nạn nhân bị thương nặng, chảy máu xối xả và chết tại bệnh viện tối cùng ngày.

VKSND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã truy tố các bị cáo trong vụ này về tội cố ý gây thương tích. Sau đó, cả hai cấp sơ, phúc thẩm kết án các bị cáo lần lượt từ hai năm án treo đến tám năm tù về cùng tội danh (Đỉnh lãnh mức án cao nhất).

Vụ án đã bị TAND tối cao xem xét lại theo thủ tục giám đốc với nhận định: Các bị cáo có bàn bạc, chuẩn bị hung khí đi đánh trả thù. Khi gặp nạn nhân, các bị cáo dùng dao tấn công quyết liệt, chém nạn nhân bị thương rồi bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Như vậy, hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội giết người với tình tiết tăng nặng là có tổ chức và có tính chất côn đồ. Do đó, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm áp dụng tội cố ý gây thương tích với các bị cáo là vi phạm nghiêm trọng, cần phải hủy án để điều tra, xét xử lại.

Giản đơn nhầm thành có tổ chức

Trong một vụ khác, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm của tỉnh Sóc Trăng lại hiểu không đúng khái niệm “phạm tội có tổ chức”, dẫn tới tuyên phạt hai bị cáo Đa và Phuông quá nặng.

Vụ án rất đơn giản: Trên đường về nhà, Đa và Phuông (cùng ngụ huyện Kế Sách) thấy một nhà ven đường không có người, cửa sau lại không khóa. Thế là cả hai chui vào lấy được hai cái đồng hồ điện treo trên vách. Khi bỏ ra ngoài, leo lên cây lấy dây diện thì cả hai bị phát hiện. Theo kết quả giám định, tài sản bị trộm trị giá hơn 1,2 triệu đồng.

Sau đó, TAND huyện Kế Sách đã tuyên phạt hai bị cáo từ hai năm ba tháng tù đến ba năm tù với nhận định cả hai đã phạm tội có tổ chức theo điểm a khoản 2 Điều 138 BLHS (khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù). Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Sóc Trăng giảm án một chút nhưng vẫn giữ nguyên nhận định này.

Phá án theo thủ tục giám đốc thẩm, Tòa hình sự TAND tối cao phân tích: Tòa hai cấp sơ, phúc thẩm kết luận hai bị cáo phạm tội có tổ chức là sai bởi họ chỉ bột phát, nhất thời phạm tội, cũng chẳng hề có sự bàn bạc, phân công chặt chẽ. Các tình tiết, chứng cứ cho thấy hai bị cáo chỉ là đồng phạm giản đơn nên cần phải chuyển về khoản 1 (khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm) và giảm án cho họ.

Trách nhiệm từ phía cán bộ tố tụng

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân phải nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện tất cả tình tiết của vụ án, trên cơ sở đó xác định, đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Các chứng cứ thu thập được vừa phải được đánh giá riêng biệt, vừa phải đặt trong tổng thể vụ án.

Mổ xẻ những bản án đã bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy thì thấy nhiều vụ, yêu cầu trên đã không được tuân thủ nghiêm, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá chứng cứ, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan pháp luật.

15 lần xét xử, án vẫn bị hủy

Vụ Đinh Xuân Đắc bị cáo buộc hiếp dâm ở Tuyên Quang với 15 lần xét xử, trong đó nhiều lần bị hoãn là một ví dụ điển hình.

Theo hồ sơ, cuối năm 2003, ông Đắc (hơn 60 tuổi) bị ông Thị tố cáo hiếp dâm con riêng của vợ khi cháu này mới tròn 12 tuổi. Sau gần ba năm điều tra tới lui, TAND tỉnh Tuyên Quang đã phạt ông Đắc 12 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em và được Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội y án.

Tuy nhiên, ông Đắc cùng nhiều người dân địa phương liên tục có đơn kêu oan. VKSND tối cao về xác minh, phát hiện hàng loạt điều khó hiểu. Chẳng hạn, cháu bé nạn nhân lúc khai bị xâm hại một lần, lúc khai bị năm, mười lần, lúc lại nói “nhiều không nhớ nổi”. Giải thích về sự bất nhất này, ra tòa cháu hồn nhiên kể là được điều tra viên mớm cung và bị một người có mâu thuẫn với ông Đắc xúi. Bối rối, các cơ quan tố tụng Tuyên Quang liền lấy lần hiếp dâm gần nhất làm căn cứ buộc tội ông Đắc.

Ngoài ra, cháu bé nạn nhân còn khai khác nhau về thời gian, địa điểm xảy ra tội phạm. Khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không mời cháu tham gia, dẫn đường nhưng biên bản lại có chữ ký của cháu (không cùng màu mực với các chữ ký khác). Đặc biệt, khi cán bộ VKSND tối cao yêu cầu dẫn lại hiện trường vụ án, điều tra viên trực tiếp thụ lý đã... không làm được.

Khó hiểu hơn, hồ sơ vụ án còn có tình tiết ông Thị cho cháu bé nạn nhân 200 ngàn đồng để nói bị ông Đắc hiếp dâm trong khi ông Đắc phản tố rằng chính ông Thị ăn nằm với con riêng của vợ rồi đổ thừa cho ông. Chưa kể là có người hàng xóm còn kể rằng đã nghe mẹ cháu bé nạn nhân than vãn việc ông Thị đòi nằm chung với con gái mình.

Liên quan đến tình tiết này, sau khi ông Đắc bị tòa phạt tù thì cháu bé nạn nhân mang bầu, sinh con và có đơn kêu cứu viết rằng chính ông Thị mới là “tác giả”. Cháu cũng khẳng định nhiều lần bị cha dượng dụ dỗ ăn nằm và xin “trả lại công bằng” cho ông Đắc.

Vì hàng loạt điều khó hiểu trên, cuối cùng Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Xem nhẹ chứng cứ gỡ tội

Tương tự, trong vụ Nguyễn Thị Thanh Hương bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 166 triệu đồng, cơ quan tố tụng hai cấp ở TP Hà Nội đã không xác minh đầy đủ những tình tiết quan trọng, liên quan đến những dấu hiệu của cấu thành tội phạm.

Đầu tiên, các cơ quan tố tụng dựa chủ yếu vào một lời khai của Hương rằng bỏ trốn để né việc trả nợ cùng một số biên bản do cảnh sát khu vực và tổ trưởng dân phố lập về việc Hương vắng nhà để quy kết Hương phạm tội. Trong khi đó, những tài liệu có tính chất gỡ tội như biên bản ghi lời khai của Hương (lập trong thời gian Hương bị cáo buộc bỏ trốn), rồi việc Hương thông báo địa chỉ, số điện thoại để cơ quan điều tra liên hệ lại không được đánh giá thấu đáo. Chưa kể là trước phiên phúc thẩm, luật sư của Hương còn nộp phiếu khai báo tạm trú của Hương cùng xác nhận của tổ dân phố nhưng cấp phúc thẩm vẫn y án tù đối với bị cáo.

Tòa hình sự TAND tối cao đã xử giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra, xét xử lại. Theo tòa, hai dấu hiệu định tội quan trọng là Hương có bỏ trốn hay không và Hương sử dụng tiền vay làm gì, có đúng mục đích như khi nói với người cho vay hay không lại chưa được làm rõ. Mặt khác, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã không xác minh toàn diện cả hai nhóm tài liệu buộc tội, gỡ tội.

Nâng chất kiểm sát viên

Theo ông Nguyễn Thanh Hạo, Vụ phó Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao, bài học rút ra trong ngành kiểm sát trước hết là trách nhiệm của các kiểm sát viên giải quyết án.

Trong các vụ này, ngay từ đầu việc thu thập chứng cứ đã không đầy đủ, thiếu chặt chẽ, còn kiểm sát viên phụ trách lại thụ động, trông chờ vào kết quả điều tra. Hệ quả là VKS vừa không nắm được đầy đủ chứng cứ buộc tội, gỡ tội cùng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, vừa không phát hiện được những chứng cứ còn thiếu, mâu thuẫn để yêu cầu điều tra bổ sung.

Nhiều vụ kiểm sát viên đã không dùng hết quyền năng của mình như phúc cung, đối chất để củng cố chứng cứ, làm rõ các mâu thuẫn trước khi ra cáo trạng. Có người cũng ra yêu cầu điều tra bổ sung nhưng lại chung chung. Trách nhiệm làm không hết, kèm theo năng lực hạn chế khiến cho có không ít bản cáo trạng sơ sài, gần như sao chép kết luận điều tra.

Kiểm tra lại nghiệp vụ của kiểm sát viên tại tòa thì thấy đề cương xét hỏi và dự kiến tình huống tranh luận thường thiếu trọng tâm. Kiểm sát viên không chủ động xét hỏi hoặc có hỏi thì trùng lặp với tòa. Những vụ án như vậy thường dẫn tới tranh luận quyết liệt nhưng kiểm sát viên lại đối đáp không đến tầm, không nhận ra được những thiếu sót trong quá trình điều tra để khắc phục, điều chỉnh ngay tại phiên xử.

Với những hạn chế đó, lại gặp phải một hội đồng xét xử non yếu thì chắc chắn sẽ dẫn tới sai sót nghiêm trọng và bản án dù có hiệu lực pháp luật cũng buộc phải phá án để điều tra, xét xử lại.

Nguồn: Pháp luật TP HCM
Tiền thôi xót xa
Sea&Mountain
 
Posts: 38
Joined: Thu Sep 17, 2009 9:47 am

Re: Tình hình xử án ở VN

Postby ecolaw on Thu Dec 17, 2009 11:26 am

Ủa, TAND Tối cao có xử phúc thẩm nữa hả ta? Không biết mình nhầm hay báo nhầm ta? Báo pháp luật sao nhầm được? Chắc ecolaw nhầm.
ecolaw
 
Posts: 20
Joined: Sat Nov 21, 2009 11:20 am


Return to Luật Tố tụng hình sự

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests

cron